Thực hiện quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thủ tục pháp lý phức tạp nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua đất hoặc nhà đất.
Vậy điều kiện, thủ tục, quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thế nào? Hãy cùng Khải Hoàn Land tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.
Điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thực hiện hành vi pháp lý chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ chủ thể này sang chủ thể khác (Chủ thể ở đây là bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng). Bên chuyển nhượng sẽ được nhận số tiền tương đương với giá trị quyền sử dụng đất theo theo thỏa thuận của 2 bên.
Căn cứ vào 188 Luật đất đai 2013, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ được Nhà nước công nhận khi đáp ứng các điều kiện dưới đây.
- Thửa đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước cấp.
- Thửa đất không bị vướng bất kỳ tranh chấp nào.
- Thửa đất vẫn còn trong thời gian sử dụng.
- Thửa đất chuyển nhượng không bị kê biên thi hành án.
- Phải đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền và có hiệu lực từ khi đăng ký vào sổ địa chính.
Quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất mới nhất
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:
- 1 Bản chính + 2 Bản photo công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- 2 Bản photo công chứng: CMND hoặc căn cước công dân, hộ khẩu 2 bên .
- 2 Bản photo công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hợp đồng cần soạn thảo tại văn phòng công chứng).
- 2 Bản photo công chứng các loại giấy tờ chứng minh tài sản chung hay riêng như: giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân), giấy đăng ký kết hôn (đã có gia đình).
- 1 Bản chính của đơn đăng ký biến động đất đai và tài sản gắn liền với mảnh đất đó.
- 2 Bản chính của tờ khai lệ phí trước bạ.
- 2 Bản chính của tờ khai thuế TNCN.
- 2 Bản chính của tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
- Tờ khai đăng ký thuế.
- 1 Bản chính của sơ đồ vị trí nhà đất.
Xem thêm: Có nên mua nhà giấy tay không? Mua nhà giấy tay có hợp pháp không?
Xem thêm: Cách tính giá đất theo hệ số K như thế nào?
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ trên thì mang đến nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND tỉnh/thành phố.
Sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đủ hồ sơ theo quy định, sẽ thực hiện thủ tục sang tên trong 10 ngày làm việc. Lúc này, hồ sơ sẽ được chuyển đến cơ quan thuế và phòng Tài nguyên và Môi trường để xác định nghĩa vụ tài chính, sau đó mới sang tên.
* Lưu ý: Nếu chỉ chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất thì trước khi nộp hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người chuyển nhượng cần yêu cầu văn phòng đăng ký đất đai tiến hành đo đạc và thực hiện thủ tục tách thửa đối với phần diện tích đất cần chuyển nhượng.
Bước 3: Hoàn thành các nghĩa vụ tài chính
Sau khi hồ sơ được chuyển đến cơ quan thuế, cơ quan này sẽ kiểm tra và soạn thảo chi tiết các nghĩa vụ tài chính cần phải nộp cho người chuyển nhượng như: lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí địa chính, lệ phí thẩm định… người dân cần thực hiện nghĩa vụ tài chính này nhanh chóng.
Bước 4: Nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì người chuyển nhượng nộp biên lai cho văn phòng đăng ký đất đai để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
* Lưu ý: Thời gian làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất là khoản 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Có những chi phí gì cần nộp trong quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất?
Trong quá trình làm thủ tục và thực hiện quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng sẽ nộp các loại phí như sau:
- Phí công chứng: Chi phí này do bên văn phòng công chứng và 2 bên (chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng) thỏa thuận với nhau.
- Phí trước bạ: Mức thu bằng 0,5% giá trị tài sản bao gồm đất và nhà đất đi kèm. Phí này do bên chuyển nhượng nộp.
- Thuế thu nhập cá nhân sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Mức thu bằng 2% giá trị hợp đồng chuyển nhượng. Phí này do bên chuyển nhượng nộp.
- Lệ phí cấp quyền sử dụng đất: Khoảng 100.000đ/lần.
- Lệ phí trích lục bản đồ địa chính: Khoảng 15.000đ/lần.
- Phí chứng nhận đăng ký biến động đất đai: Khoảng 20.000đ/lần.
- Phí thẩm định: 0.15% giá trị chuyển nhượng.
* Lưu ý: Tùy vào mỗi vùng miền, địa phương các khoảng phí này sẽ có sự chênh lệch nhưng không đáng kể.
Một số lưu ý khi thực hiện quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Kiểm tra kỹ các giấy tờ pháp lý của mảnh đất
Các loại giấy tờ pháp lý của đất đai bao gồm: giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, sơ đồ đất đai trong bản đồ địa chính, các dự án quy hoạch có liên quan đến mảnh đất… Người nhận chuyển nhượng cần kiểm tra kỹ các thông tin có khớp với thực tế hay không để tránh bị lừa đảo.
Xác nhận và kiểm tra quyền sở hữu đất
Người nhận chuyển nhượng cần kiểm tra rõ bên chuyển nhượng có đang sở hữu đầy đủ quyền sử dụng đất hay không. Bên cạnh đó, xem xét mảnh đất đang tài sản chung của vợ chồng hay riêng . Trường hợp mảnh đất đồng sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có chữ ký của cả vợ và chồng mới được Pháp luật công nhận.
Nếu người đồng sở hữu mảnh đất vắng mặt khi làm chuyển nhượng thì phải có giấy ủy quyền có công chứng đính kèm theo hồ sơ chuyển nhượng.
Kiểm tra xem bên chuyển nhượng đã thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế cho mảnh đất hay chưa, có tuân thủ hợp đồng của bên thứ 3 như: bên cung cấp điện nước không. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ bên thứ 3, thì yêu cầu bên chuyển nhượng hoàn thành nghĩa vụ trên rồi mới làm chuyển nhượng.
Quan trọng nhất, xác minh rõ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đang bị cầm cố, thế chấp hay không.
Kiểm tra tính ổn định của đất
liên hệ với Ủy ban nhân dân xã, phường kiểm tra mảnh đất có bị vướng tránh chấp không, nếu có mà vẫn làm chuyển nhượng thì hợp đồng nhận chuyển nhượng sẽ bị vô hiệu hóa.
Cẩn thận khi thanh toán hợp đồng chuyển nhượng
Hãy tiến hành thanh toán hợp đồng chuyển nhượng tại Ngân hàng để đảm bảo tính an toàn. Và ưu tiên thanh toán bằng tiền Việt để tránh trường hợp chênh lệch tỷ giá. Bên cạnh đó, ngay sau khi ký hợp đồng, 2 bên nên tiến hành nộp thuế theo thỏa thuận ban đầu nhằm tránh bị phạt do nộp thuế, phí chậm.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu điều kiện, thủ tục và quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất mới nhất theo quy định nhà nước. Chúc các nhà đầu tư sẽ luôn có giao dịch chuyển nhượng suôn sẻ và an toàn. Và đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của Khải Hoàn Land nhé!
Những câu hỏi liên quan đến quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Nộp hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở đâu?
Nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND tỉnh/thành phố.
Thời gian thụ lý hồ sơ, giải quyết và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khi sang tên là bao lâu?
Thời gian làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất là khoảng 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thuế thu nhập cá nhân trong quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tính như thế nào?
Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất = 2% x Giá chuyển nhượng.
Phí trước bạ do bên nào nộp?
Phí trước bạ do bên chuyển nhượng nộp.
Phượng Trần.