Nhắc đến nghề môi giới bất động sản, người Việt Nam có quan niệm: sales bất động sản thu nhập hàng tháng từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, đi làm như đi chơi. Tuy nhiên, mấy ai hiểu đằng sau đó là muôn trùng khó khăn, thử thách và muôn vàng những hiểu lầm không thể giải thích mà một “dân sales” bất động sản như Tú đang phải trải qua.
Gia nhập vào đội ngũ nhân sự thuộc phòng Marketing của Công ty BĐS A gần 1 năm, tôi tình cờ làm quen với một chị làm sales của công ty tên là Cẩm Tú. Chị Cẩm Tú đã gắn bó với công ty hơn 5 năm và gặt hái được khá nhiều thành công trong vai trò là môi giới bất động sản.
Tôi tự hỏi, tốt nghiệp ngành sư phạm với vóc dáng của một người con gái mảnh mai như vậy làm sao Tú có thể gắn bó với nghề môi giới hơn 5 năm và đạt được nhiều thành công như vậy. Trong một lần trò chuyện, Tú chia sẻ “không có sự thành công nào tự nhiên mà có, tất cả đều cần có sự quyết tâm đến CỰC HẠN”.
Luôn phải đối mặt với những hiểu lầm muôn thuở của nghề môi giới bất động sản
Thông thường, cứ 10 người nghe đến khái niệm nghề môi giới bất động sản thì có đến 9 người cho rằng là “cò nhà đất” với hàm ý khinh miệt đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt từ xưa đến nay. Đây hoàn toàn là những hiểu lầm về những chuyên viên tư vấn bất động sản chuyên nghiệp hiện nay, những người đang làm việc chân chính với năng lực và trách nhiệm của mình.
Thật sự nghề nào cũng có nốt trầm, nốt thăng, một người làm nghề môi giới bất động sản nếu không bị khách đánh giá hạ thấp như “cò mồi” thì lắm lúc vẫn gặp các tình huống oái ăm. Điển hình như: khách chọn tới chọn lui, hỏi giá hàng chục căn nhưng không chốt được căn nào, khách hàng mặc cả, hủy kèo, mắng chửi vô cớ, thậm chí vài tháng môi giới vẫn chưa bán được căn nào… Tuy nhiên, đây chỉ là những chuyện bình thường vì suy cho cùng mua nhà là việc trọng đại, khách hàng phải bỏ ra một số tiền lớn dành dụm trong nhiều năm, nên Tú chẳng nề hà gì mấy việc đó. Nhưng cũng có trường hợp khách hàng đòi hỏi vô lý, yêu sách và thái độ trịch thượng coi thường những người làm nghề môi giới bất động sản vì nghĩ những người như Tú chỉ là “đứa cò mồi”… Dẫu hiểu nhưng đôi khi Tú vẫn thấy tủi thân.
Hay ấn tượng đầu tiên của người ngoài nhìn vào chỉ thấy những người hành nghề môi giới bất động sản là người ăn vận chỉn chủ, hào nhoáng, tay cầm điện thoại xịn, ngồi cà phê sang chảnh và nói chuyện khôn khéo… Họ tưởng rằng đó là sở thích hay muốn thể hiện sự đẳng cấp, nhưng thực tế đó lại là yêu cầu công việc mà những dân sales bất động sản như Tú cần phải có. Vì thử hỏi có khách hàng nào muốn mua một sản phẩm trị giá hàng tỷ đồng thông qua một chuyên viên tư vấn bất động sản ăn mặc lôi thôi, đầu tóc xuề xòa?
Điều kiện tiên quyết của một người hành nghề môi giới bất động sản là phải tạo được ấn tượng tốt với khách hàng từ cái nhìn đầu tiên, thể hiện được phong thái chuyên nghiệp từ những điều nhỏ nhất như ngoại hình, danh thiếp, cử chỉ và sự tự tin.
Còn nhớ lần đầu bước chân vào nghề, Tú đã để mất khách hàng tiềm năng chỉ vì sử dụng số điện thoại 11 số liên hệ. Vì khách hàng cho rằng sử dụng sim “rác” thì khó mà tin tưởng được nên sợ bị lừa đảo.
Về sau, khi nhận ra điều đó, Tú thấy bản thân khá vô tâm trong việc tạo dựng niềm tin nơi khách hàng. Vì vậy, đã nghiêm túc xem xét lại bản thân, cẩn thận chuẩn bị chiếc danh thiếp, câu chào khi gọi điện thoại, phục trang cũng như cách trang điểm… Tú thậm chí còn đăng ký theo học một khóa giao tiếp dành riêng cho giới nhà giàu để học cách thưởng rượu vang, cách dùng tiệc, cách trò chuyện sao cho lịch sự và trang nhã.
Các bạn trẻ khi mới bước vào nghề môi giới, tư vấn bất động sản có thể sẽ chẳng cần cầu kỳ như Tú nhưng bắt buộc phải chỉn chu trong phong thái. Tuy nhiên, đó chỉ mới là vẻ ngoài, quan trọng hơn là kiến thức và kinh nghiệm, đây mới là giá trị cốt lõi tạo nên sự khác biệt của “cò đất” và môi giới bất động sản.
Giá trị cốt lõi nghề môi giới bất động sản – Kiến thức và kinh nghiệm
Làm “có đất” hoàn toàn không cần kiến thức hay kinh nghiệm, thậm chí không cần là nhân viên của bất kỳ công ty nào, chỉ cần có mối quan hệ với người có nhu cầu bán – mua, uy tín với “người thân quen” và giao tiếp tốt là có thể giao dịch thành công một giao dịch rồi phủi tay xong chuyện.
Tuy nhiên, với định hướng trở thành một chuyên viên tư vấn bất động sản chuyên nghiệp khi bước vào nghề môi giới bất động sản như Tú thì hoàn toàn khác. Tú phải chủ động tìm cách tiếp cận và hỏi về nhu cầu của khách hàng, nhờ đó đưa ra phương pháp tiếp cận sao cho phù hợp nhất. Và để làm được điều đó, bắt buộc Tú phải học hành và tích lũy kinh nghiệm, đồng thời cập nhật tin tức hàng ngày, hàng giờ để có thể trả lời khách hàng nhanh chóng. Vì khách hàng rất tinh ý, nếu tư vấn bất động sản mà không nhanh nhạy, trả lời ậm ừ là người ta biết mình không am hiểu. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất của “cò đất” và một chuyên viên bất động sản theo đuổi sự nghiệp nghiêm túc. Mục tiêu của những người như Tú không phải là hoa hồng hay thưởng nóng mà chính là lòng tin và mối quan hệ bền chặt với khách hàng.
Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump – Một tỷ phú đi lên từ mua bán bất động sản cũng đã công nhận: Mua nhà mà không có sự giúp đỡ của môi giới bất động sản, chẳng khác nào nói chuyện thuốc men mà không cần bác sĩ hay đâm đơn kiện mà không có luật sư.
Không có thành công nào tự nhiên mà có
Hàng loạt những chi phí không tên mà môi giới bất động sản phải tự bỏ ra để có thể bán được hàng như: in ấn tờ rơi, catalogue, chi phí đi lại, điện thoại… Lắm lúc phải mời khách đi taxi, ăn uống, cà phê… mới có thể chốt được hợp đồng. Cũng chính vì vậy mà giờ giấc làm việc của dân sales bất động sản trở nên thất thường, nhiều lúc nằm nhà chơi cả tháng nhưng nhiều lúc phải dậy từ 7h sáng làm việc và đến 11h đêm mới về đến nhà. Nói đến độ cực khổ thì nghề môi giới bất động sản chẳng kém cạnh nghề khác, có khi còn hơn.
Mặc dù nhiều vất vả, nhưng Tú vẫn yêu cái nghề môi giới bất động sản. Dù cho đồng nghiệp đã chuyển hướng làm nhân viên văn phòng, có người “phất” lên thì mở công ty môi giới bất động sản riêng, cũng có người chuyển hướng sang buôn bán… nhưng Tú vẫn sống thoải mái từ thu nhập của nghề tư vấn bất động sản.
Tú chia sẻ, hơn 5 năm làm nghề, mặc dù thu nhập rất cao nhưng thứ quý giá nhất với tôi không phải là tiền mà là những mối quan hệ thân thiết với khách dựa trên nền tảng uy tín mà tôi xây dựng bấy lâu. Thậm chí, có khách hàng đã trở thành chị em tâm giao, thường xuyên chia sẻ tin tức về thị trường bất động sản cũng như cuộc sống hằng ngày, hay có những vị khách coi tôi như con cháu trong nhà, thỉnh thoảng còn gửi quà tết, quà sinh nhật chỉ vì tôi đã không quản ngại mưa gió đi thăm nhà, đàm phán giúp họ được căn nhà tốt.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” quả thực các cụ nói chẳng sai bao giờ, nghề nào thì cũng cần rèn giũa, chịu khó thì mới thành công, nghề môi giới bất động sản cũng vậy vì không có thành công nào tự nhiên mà có, tất cả đều có sự quyết tâm đến cực hạn.
Trên đây là đôi lời tâm sự nghề môi giới bất động sản của bạn Tú. Dẫu biết mới vào nghề môi giới bất động sản ai cũng phải gặp khó khăn, thử thách, trải qua vô số “cửa ải” mới “tu thành chín quả”. Mình hy vọng các bạn làm nghề môi giới bất động sản sẽ luôn vững tin với nghề! Luôn luôn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kiến thức… “Hoa thơm trái ngọt” rồi cũng sẽ về tay của các bạn thôi!
Phượng Trần.