Hơn 90% mọi người nhận định làm sale bất động sản giàu và sướng lắm. Vì hằn sâu trong ánh mắt họ đây là những người mặc vest sang trọng, thắt cà vạt, tay xách cặp và khi gặp khách hàng thì cứ iPhone, Airpod, Macbook… mà ít nghề nào thể hiện được.
Vậy thực tế làm sale bất động sản có sướng như người ngoài vẫn nghĩ. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của anh Dương Hoàng Khang – Môi giới Bất động sản tại TP.HCM – Thành viên của Group Cộng Đồng Môi Giới chia sẻ suy nghĩ thực tế của người trong cuộc dưới đây.
Làm sale bất động sản sướng chứ!
“Sướng chứ” là câu trả lời của Anh Dương Hoàng Khang khi được hỏi làm sales bất động sản có sướng không. Vì sao? Anh Hoàng Khang chia sẻ:
Đúng như mọi người vẫn thường nhìn thấy hình ảnh của những người làm sale bất động sản như một “doanh nhân”, lúc nào cũng mặc vest, thắt cà vạt, tay xài iPhone, tai đeo Airpod… sang trọng và lịch lãm.
Hơn hết là không cần phải đi làm đúng giờ mà lại được vi vu đi đây đi đó khắp mọi miền đất nước như: Phú Quốc, Sài Gòn, Tây Đô Cần Thơ, Vũng Tàu… Mạng xã hội thì luôn luôn check in sang chảnh tại các khách sạn hạng A đẳng cấp, lại còn luôn xuất hiện ở các quán cà phê sang trọng. Điển hình như hôm nay anh Khang đang ở khu đô thị Vinhomes Grand Park làm cốc cà phê đợi dẫn khách đi xem nhà.
Và hơn hết là thu nhập của nghề sale bất động sản, 1 deal có thể kiếm được vài chục hay vài trăm triệu đồng nên mọi người thường bảo chỉ cần có 1 hoặc 2 giao dịch thành công thì môi giới có thể sống được 1 năm.
Như vậy, làm sale bất động sản sướng quá rồi còn gì. Vậy vì sao ngành bất động sản vẫn thiếu nhân lực? Vì sao các doanh nghiệp bất động sản vẫn đăng hàng tá tin tuyển dụng nhân viên kinh doanh bất động sản quy mô lớn mỗi ngày trên các trang báo lớn và tràn lan trên mạng xã hội.
Góc khuất ê chề khi làm sale bất động sản
Song hành cùng cái sướng sẽ là cái khổ, mà làm sale bất động sản thì đâu phải khổ sương sương. Cái khổ của nghề này còn không có từ nào để diễn tả bởi những góc khuất, góc tối của sale mà không phải ai cũng có thể thấy được.
Nhấp ngụm cà phê, anh Hoàng Khang chia sẻ tiếp, khác với mấy anh chị làm văn phòng, làm cái nghề này có thời gian linh hoạt, muốn làm khi nào thì làm, có hôm còn chả thèm lên công ty. Tuy nhiên, chỉ cần khách hú một tiếng bất kể giờ nào, nắng mưa ra sao, không cần biết là đang đi với bạn hay người yêu, đều phải chuẩn bị quần áo tươm tất đi gặp khách hàng ngay.
Ví dụ như chủ nhật, trong khi mọi người đang tận hưởng một ngày nghỉ bên người thân, gia đình và bạn bè thì anh Khang phải chạy xuống Quận 9 đợi khách gần 3 tiếng để dẫn đi xem nhà vì khách bận delay lại.
Chưa hết, đằng sau những chuyến đi Phú Quốc, check in khách sạn sang chảnh trên mạng xã hội khiến dân tình ngưỡng mộ mấy ai biết tiền đấy là tiền túi của sale bỏ ra. Đó là còn chưa kể sale phải lo liệu chi phí đi lại của khách hàng. Điển hình, có lần Khang dẫn 3 vị khách đi Phú Quốc site tour tham quan dự án, mặc dù được công ty hỗ trợ chi phí đi lại nhưng anh vẫn phải bỏ ra 6 triệu tiền túi. Chỉ khi nào có giao dịch thành công thì công ty mới hoàn tiền, không được thì mất trắng, chưa kể đến chi phí đi lại, ăn uống của bản thân “đợt đó chỉ trong 3 – 4 ngày tiếp khách mình tốn 10 triệu đồng cho chi phí đi lại và bay qua bay lại” Anh Khang chia sẻ. Vậy nhưng cuối cùng khách không mua anh Khang mất trắng chi phí tiếp khách.
Đúng là một giao dịch môi giới sẽ kiếm được vài chục hay vài trăm triệu sống được cả năm. Tuy nhiên, trường hợp khách không mua thì sao.
Anh Khang tâm sự: “Mất thời gian, công sức và tiền bạc. Trong đó mất khá nhiều tiền bao gồm chi phí chăm sóc khách hàng, chi phí tìm kiếm khách hàng chạy marketing các kiểu”. Được biết, khoảng thời gian TP.HCM chưa áp dụng giãn cách xã hội vào tháng 4 và 5 năm nay, anh Khang tốn 10 triệu đồng chạy ads facebook mà chưa thu được gì. Nếu không có giao dịch thành công thì sale sẽ chỉ được nhận lương cứng theo chính sách công ty, mức lương này còn không đủ một chuyến bay Phú Quốc.
Đó là chưa kể mức hoa hồng cao ngất ngưỡng mà mọi người thường thấy của sale là doanh thu không phải lợi nhuận net, anh Khang chia sẻ: Ví dụ anh có 1 giao dịch hoa hồng 40 triệu đồng, thì tiền marketing chiếm khoảng 10 – 20 triệu đồng, trong khi đó sau khi bán xong đâu phải sale sẽ về liền, đôi lúc phải ở lại 2 – 3 tháng sau mới về. Đó là chưa kể khi thị trường bất động sản “nguội lạnh” nhiều tháng liền không có giao dịch như “mùa giãn cách xã hội” vừa rồi đã khiến cho nhiều sàn giao dịch tạm ngưng hoạt động, hàng ngàn môi giới điêu đứng.
Nhìn chung đây chỉ là những góc tối cơ bản, còn rất nhiều góc khuất khác khi làm sale bất động sản như: sale cạnh tranh “cắt máu” để cướp khách, nhậu nhẹt thâu đêm vì tiếp khách, gạ gẫm qua đêm “đụng chạm” như cơm bữa, đại gia “gạ gẫm” và “gạ gẫm đại gia” … hàng nghìn rủi ro của nghề mà ít ai biết đằng sau hình ảnh “doanh nhân” sang trọng khi làm sale bất động sản.
Bởi vậy mới nói, đằng sau chữ “sướng” khi làm sale bất động sản, cái giá phải trả không hề nhỏ. Có những khó khăn và vất vả mà chỉ có những người trong nghề mới có thể thấy và thực tế không hề hào nhoáng, nhẹ nhàng, giàu có như nhiều người tưởng tượng. Hy vọng, những hy sinh, vất vả của những người làm sale bất động sản sẽ dần dần được xã hội công nhận để rồi “hoa thơm trái ngọt” sẽ về tay các bạn!
Phượng Trần.